2024 chứng kiến một năm vô cùng khó khăn của ngành công nghệ thế giới nói chung và Đà Nẵng nói riêng, khi chi tiêu cho công nghệ suy giảm do kinh tế thế giới không ổn định và “Bóng ma AI” (tác động của AI dẫn đến việc hoãn đầu tư cho dự án mới). Điều này gây ra làn sóng sa thải thứ 2 và tạo ra sự dư thừa nhân lực trong một số lĩnh vực của ngành công nghệ.
Chúng ta cùng nhìn lại năm 2024 và hướng đến 2025 với hy vọng đem đến nhiều điều tích cực hơn.
Nhu cầu tuyển dụng của ngành phần mềm Đà Nẵng năm 2024
Bảng 1 – Số liệu nhu cầu tuyển dụng của ngành phần mềm Đà Nẵng năm 2024
Trong khó khăn chung của ngành công nghệ thế giới, Đà Nẵng cũng không nằm ngoài xu thế đó, năm 2024 đã đem lại nhiều thách thức cho cả doanh nghiệp và cá nhân tham gia trong lĩnh vực này.
Nhìn vào bảng thống kê nhu cầu tuyển dụng chúng ta thấy, nhu cầu tuyển dụng năm 2024 chưa bằng 70% nhu cầu so với năm 2023 và đã là năm thứ 3 liên tiếp nhu cầu tuyển dụng ngành này giảm. Điều này thể hiện, các doanh nghiệp khó khăn trong việc tìm dự án mới và gây nhiều khó khăn cho việc tìm việc của các bạn sinh viên mới ra trường.
Nguyên nhân gây nên việc tiếp tục suy giảm của ngành phần mềm
Nguyên nhân thì có nhiều, tuy nhiên có thể tóm tắt trong các nguyên nhân chính sau:
- Kinh tế thế giới chưa ổn định: kinh tế thế giới có một vài chuyển biến tốt nhưng vẫn chưa ổn định khi có nhiều tác động từ chiến tranh và nhiều yếu tố khác, nhất là các thị trường lớn của ngành phần mềm Việt Nam như Nhật Bản, EU và Mỹ.
- Bóng ma AI: sự phát triển mạnh của AI đã tạo ra làn sóng ứng dụng AI nhưng cũng tạo ra sự lưỡng lự cho việc đầu tư dự án mới và việc chuẩn bị thay đổi công nghệ đã tạo ra làn sóng sa thải thứ 2 để có nguồn lực đầu tư vào AI.
Các yếu tố trên cộng với việc suy giảm từ năm 2022, 2023 đã tạo ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực phần mềm và những sinh viên công nghệ thông tin mới ra trường.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của các doanh nghiệp lớn như FSOFT và RIKKEISOFT thì năm 2024 vẫn có tăng trưởng ấn tượng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng ra nhiều chiến lược mới như ứng dụng AI để tăng năng suất, đầu tư vào nhân lực ứng dụng AI, tuyển dụng Fresher cho các dự án mới .. cũng mang lại nhiều hy vọng cho năm mới 2025
Xu hướng công nghệ lập trình năm 2025
Quan sát nhu cầu tuyển dụng các tháng cuối năm 2024 và trao đổi với nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực phần mềm, tác giả đưa ra các nhận định cho năm 2025 như sau:
– Trí tuệ nhân tạo (AI): năm 2024 thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ của AI, đặc biệt là mô hình LLM. Năm 2025 được nhận định là năm đưa ứng dụng AI vào công việc, doanh nghiệp. Do vậy, việc sử dụng AI để tăng năng suất trong lĩnh vực lập trình, kiểm thử là bắt buộc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp ngoài ngành cũng đưa AI vào ứng dụng sản xuất kinh doanh nên nhu cầu về kỹ sư ứng dụng AI, những người sẽ đưa AI thành ứng dụng cho doanh nghiệp sẽ tăng cao. Kỹ sư ứng dụng AI có thể không yêu cầu sâu vào thuật toán, xây dựng mô hình mới mà là hiểu rõ về AI, các mô hình có sẵn để chỉnh sửa, huấn luyện và xây dựng ứng dụng để đưa vào thực tế phù hợp với doanh nghiệp.
– JavaScript full stack: theo thống kê thì nhu cầu Node.js và Front End nằm ở mức cao nhất. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro khi chuyển dự án, các doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng full stack để có thể sử dụng linh hoạt giữa front end và back end. Nên các lập trình viên web có kỹ năng full stack sẽ có nhiều lợi thế.
– C++/Embedded/Automotive: với sự phát triển mạnh của công nghệ lập trình ô tô (automotive), cũng như các ứng dụng liên quan đến nhúng, cũng như chuẩn bị cho sự phát triển vi mạch sắp tới đã giúp C++ có nhu cầu cao. Đây cũng là xu thế chung của thế giới, khi mà C++ đã được sử dụng làm ngôn ngữ lập trình bắt buộc tại hầu hết các trường đại học tại Mỹ bên cạnh Python.
– BA, Tester: đây là hai kỹ năng hiếm hoi có sự tăng trưởng về nhu cầu tuyển dụng năm 2024, chứng tỏ nhu cầu lớn về nhân lực ở hai lĩnh vực này. Năm 2025, hai lĩnh vực này vẫn có nhiều cơ hội.
– Cyber Security (an toàn thông tin): mặc dù không thuộc lĩnh vực trong thống kê ở trên. Tuy nhiên, năm qua mảng Security đã tăng trưởng đáng kể khi các doanh nghiệp tăng cường khả năng đảm bảo an toàn cho hệ thống khi mà các cuộc tấn công ngày càng nhiều và tiền chuộc đắt đỏ.
Bên cạnh đó, nhiều đối tác Nhật đã bắt đầu chuyển các trung tâm giám sát an ninh mạng về Việt Nam dẫn đến nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này tăng cao. Bạn sẽ có nhiều cơ hội nếu tham gia vào lĩnh vực này.
– Java, .Net, PHP: là các lĩnh vực Backend cơ bản, luôn ở mức nhu cầu cao. Tuy nhiên, năm qua hầu hết nhu cầu tuyển dụng ở mức Senior nên các bạn mới khi tham gia các mảng này tương đối khó tìm việc. Tuy vậy, cuối năm FSOFT Đà Nẵng đã có những đợt Fresher cho Java và .Net nên hy vọng 2025 sẽ có nhiều triển vọng hơn cho lĩnh vực này.
Ngoài ra, các kỹ năng khác có nhu cầu tuyển dụng ít hơn, nhưng cũng sẽ có ít người tham gia hơn. Nên nếu bạn yêu thích lĩnh vực đó thì cơ hội tìm được việc làm tốt của bạn cũng rất cao.
Kết luận
Tóm lại, 2024 là một năm đầy khó khăn đối với ngành phần mềm, chúng ta hy vọng đây cũng là năm cuối của quá trình suy giảm. Hy vọng năm 2025 có nhiều khởi sắc hơn. Trong xu thế chung của quá trình phát triển, ngành phần mềm chắc chắn sẽ trở lại. Tuy nhiên, nó có thể trở lại với hình thái khác, nhu cầu công việc, công nghệ khác. Nên để đảm bảo có việc làm ổn định đòi hỏi các bạn phải luôn học hỏi, sẵn sàng cập nhất cái mới và trao dồi kỹ năng để thích ứng với yêu cầu mới.
2025 có thể là năm bùng nổ của AI và ứng dụng của nó, nên trang bị các kỹ năng liên quan đến AI hay đơn giản là ứng dụng AI một cách hiệu quả vào công việc của mình đã là một lợi thế dành cho bạn.
Thông tin thống kê được lấy từ diễn đàn Việc làm CNTT Đà Nẵng theo nguyên tắc lấy nhu cầu tuyển dụng các công ty đưa ra và lọc bỏ tin trùng trong tháng. Các bạn có thể tham gia diễn đàn để xem chi tiết tin tuyển dụng hoặc cần thêm chi tiết có thể Comment bên dưới.
Hy vọng những thông tin trên giúp bạn tham khảo và có định hướng tốt hơn trong việc lựa chọn và chuẩn bị cho nghề nghiệp của mình. Chúc các bạn thành công.