Vấn đề mà hầu hết sinh viên băn khoăn là nên học thế nào để ra trường có việc làm và xa hơn là thành công trong nghề nghiệp. Sinh viên ngành CNTT cũng vậy, dù có rất nhiều cơ hội tìm việc, đặc biệt là ngành phần mềm nhưng vẫn rất nhiều bạn gặp khó khăn trong quá trình tìm việc sau khi tốt nghiệp. Đâu là nguyên nhân và có cách nào khắc phục để việc tìm việc làm sau tốt nghiệp được thuận lợi hơn.
Qua nhiều năm làm công tác đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nhân sự ngành phần mềm, tôi sẽ chia sẻ cùng các bạn một số quan điểm về vấn đề này nhằm giúp các bạn hiểu rõ hơn để có lựa chọn cho phù hợp.
Công ty phần mềm cần nhân lực như thế nào?
Tổng hợp các nhu cầu tuyển dụng của các công ty phần mềm trong 03 năm qua, có thể liệt kê ra một số yêu cầu chính của các công ty phần mềm đối với các Lập trình viên như sau:
- Kiến thức về chuyên ngành
- Kinh nghiệm làm việc
- Khả năng ngoại ngữ
- Thái độ với công việc và cuộc sống
Để hiểu rõ hơn cũng ta sẽ phân tích kỹ hơn các yêu cầu này.
Kiến thức về chuyên ngành
Đây là điều đương nhiên, các công ty yêu cầu các bạn có kiến thức cơ bản về chuyên ngành công nghệ thông tin như toán, kỹ năng lập trình, thuật toán, cơ sở dữ liệu, cấu trúc dữ liệu v.v.. và thường kèm theo kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực mà bạn định làm việc như Web, Mobile, Enterprise …
Nếu bạn học Đại học, CĐ chuyên ngành CNTT thì bạn đã có kiến thức cơ bản, bạn chỉ cần trang bị thêm kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực bạn muốn sau này đi làm như Java, .Net, lập trình Web với PHP, hay Android, iOS … nữa là được. Vì nếu không bạn sẽ gặp khó khăn khi tham gia phỏng vấn một vị trí cụ thể.
Bạn lưu ý, ở đây nói về Java không đơn thuần là ngôn ngữ lập trình Java mà là kiến thức về kỹ thuật liên quan đến nó ví dụ như Lập trình hướng đối tượng, Thuật toán, Cấu trúc dữ liệu, Lập trình ứng dụng, Lập trình Web, Lập trình Enterprise triển khai trên Java. Nắm vững những vấn đề này bạn mới có khả năng tham gia vào quá trình phát triển một dự án phần mềm.
Đối với các bạn chuyên ngành khác muốn chuyển sang phần mềm bạn cần đầu tư thêm các kiến thức nền tảng như Cơ bản về ngôn ngữ lập trình, Cơ sở dữ liệu, Cấu trúc dữ liệu, Thuật toán v.v.. có nghĩa là bạn cần chương trình dài hơn.
Kinh nghiệm làm việc
Do đặc thù ngành phần mềm là ngành sản xuất mà sản xuất ở mức thủ công. Có nghĩa là để đảm bảo chất lượng nó cần các kỹ sư có kỹ năng tốt và có khả năng làm việc độc lập cao. Do vậy hầu hết các công ty phần mềm yêu cầu các bạn có ít nhất 1 năm kinh nghiệm làm việc trở lên.
Điều này trở thành cản trở chủ yếu của các bạn, vì mới ra trường bạn không kiếm đâu ra kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu để ý thì vấn đề này cũng không quá khó khắc phục, lý do là các công ty yêu cầu 1 năm kinh nghiệm làm việc nhưng không nhất thiết phải làm việc tại các công ty mà ngành phần mềm thì bạn có thể làm việc bất kỳ đâu. Nếu bạn chứng minh bạn có kinh nghiệm thực sự trên lĩnh vực đó ngay cả khi bạn đang học ở trường thì bạn cũng dễ dàng được chấp nhận.
Để khắc phục điều này bạn nên tìm hiểu sớm các lĩnh vực tuyển dụng của ngành phần mềm mà bạn đam mê và đầu tư ngay từ năm 2 hoặc năm 3 để khi tốt nghiệp bạn đã có kinh nghiệm từ 1-2 năm là đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Việc đầu tư sớm về công nghệ cũng giúp các bạn học các môn chuyên ngành ở trường thuận lợi hơn như thuật toán nâng cao, cấu trúc dữ liệu, lập trình ứng dụng, lập trình phân tán, thiết kế hệ thống v.v… vì bạn dễ dàng xây dựng demo cũng như chiêm nghiệm việc áp dụng lý thuyết và thực tế như thế nào.
Khả năng ngoại ngữ
Một trong những kỹ năng không thể thiếu của kỹ sư phần mềm là ngoại ngữ, nó có thể là tiếng Anh, tiếng Nhật v.v.. Nhưng một trong những kỹ năng không thể thiếu là tiếng Anh chuyên ngành. Vì nếu không dùng tốt tiếng Anh chuyên ngành gần như bạn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi của ngành phần mềm.
Bởi lẽ khi code lỗi bung ra là tiếng Anh, nếu bạn không có giải pháp, việc đầu tiên nên làm là copy lỗi ấy lên Google Search để tìm giải pháp. Hầu hết các giải pháp cũng là tiếng Anh, do đó nếu không rành tiếng Anh thì rất khó cho bạn.
Các công cụ như Google Translation cũng tốt nhưng nó dịch không sát và dễ gây nhầm lẫn nên bạn cũng không thể trông cậy hoàn toàn vào công cụ này. Tốt nhất thì bạn vẫn nên sử dụng thành thạo tiếng Anh chuyên ngành.
Vậy làm thể nào để học tốt tiếng Anh chuyên ngành, lời khuyên của tôi là bạn hãy đọc sách chuyên ngành bằng tiếng Anh, ban đầu có thể bạn gặp khó khăn nhưng về sau sẽ rất có ích cho bạn.
Ngoài ra, tiếng Anh giao tiếp, tiếng Nhật cũng mang lại cho bạn nhiều cơ hội trong ngành này nên hãy cố gắng trang bị ít nhất là 1 trong 2 món này.
Thái độ
Vấn đề này được liệt kê sau cùng nhưng thực ra nó quan trọng hàng đầu. Nếu bạn có thái độ tốt thì 03 vấn đề trên có thể được giải quyết một cách đơn giản.
Vai trò của một kỹ sư phần mềm đối với dự án, sản phẩm rất cao nên yêu cầu tính tự giác và chuyên nghiệp cao của bạn để đảm bảo có được sản phẩm tốt. Do vậy, các công ty phần mềm rất quan tâm đến vấn đề này.
Hãy tập tính tự giác, nghiêm túc với công việc, chủ động xử lý vấn đề, xây dựng cuộc sống lành mạnh để thái độ tốt đến tự nhiên, bạn sẽ dễ dàng nhận được sự tin tưởng từ các nhà tuyển dụng.
Ngành phần mềm mang lại rất nhiều cơ hội, các bạn chỉ cần chủ động là có thể dễ dàng thành công nên thay vì những trách móc những điều chưa thuận lợi hãy khắc phục chúng và tiến lên để nắm lấy cơ hội và xây dựng thành công nghề nghiệp cho mình.
Chúc các bạn thành công !