Vận mệnh tương lai loài người sẽ nằm trong tay những tài năng trẻ như em Tanmay Bakshi!
Mời bạn gặp gỡ Tanmay Bakshi: một lập trình viên máy tính, một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và là một cá nhân có hiểu biết phi thường về công nghệ. Bakshi đã phát triển nhiều ứng dụng di động, xuất bản một cuốn sách, đứng trên sân khấu TEDx Talk cũng như phát biểu tại những cuộc gặp cấp cao do IBM Watson tổ chức tại những quốc gia như Phần Lan, New Zealand, Đan Mạch hay Úc.
Có một điều cần phải nhấn mạnh ở đây:
Tanmay Bakshi mới chỉ có 14 tuổi.
Đã được IBM để mắt tới từ năm em 11 tuổi, nhưng cái tên Tanmay Bakshi đã xuất hiện trong giới công nghệ từ trước đó rồi cơ! Khi mà bạn cùng trang lứa đang ngồi chơi xếp hình và trốn tìm quanh sân, thì cậu Bakshi mới 5 tuổi đang mày mò học code.
Cha của em, ông Puneet Bakshi đã là một lập trình viên máy tính nhiều năm trời. Khi ông Bakshi gõ những dòng kí tự khó hiểu với những cậu bé 5 tuổi khác, thì em Bakshi nhỏ bé đang đọc từng dòng code ấy với một vẻ mặt thích thú đáng ngạc nhiên.
“Em thấy thật ấn tượng khi thấy rằng máy tính có thể làm bất kì thứ gì“, em Bakshi nói với đài CNBC. “Em muốn biết rằng những gì đang nằm ở gốc rễ của mọi thứ và nhìn được ra cách điều khiển những chiếc máy tính, ra lệnh cho chúng phải làm gì“.
Cảm thấy con trai mình hứng thú với chuyên môn của mình, ông Bakshi hướng dẫn cho con cách lập trình. Và từ đó, em Bakshi đã tự sử dụng Internet, tự tìm tòi đọc sách về lập trình.
Tại tuổi thứ 7, Bakshi tự dựng lên một kênh YouTube , hướng dẫn viết code và lập trình web cho bất kì ai có chung sở thích. Phần bình luận của từng video em tải lên tràn ngập những câu hỏi bay về từ khắp mọi chân trời trên thế giới.
Không giữ tài năng cho riêng mình, em chia sẻ cho cộng đồng mọi kiến thức của mình
Nhận thấy rằng tầm hiểu biết của mọi người về lập trình cũng như về machine learning còn hơi hạn chế, cậu Bakshi quyết định đặt ra một sứ mệnh riêng cho kênh YouTube của mình: giúp được 100.000 người từ những cá nhân nhỏ tuổi cho tới những người muốn tìm hiểu về lập trình bắt đầu được chuyến du hành xuyên qua những dòng code. Tính tới nay, kênh YouTube của em đã có được hơn 264.000 lượt đăng ký và chắc chắn, nó sẽ còn tăng nữa.
Tám tuổi, cậu tự dạy mình cách phát triển ứng dụng iOS. Chín tuổi, cậu tạo ra ứng dụng đầu tiên dược Apple Store chấp nhận: đó là TTables , ứng dụng miễn phí dạy cách tính phép nhân.
Nhưng theo thời gian, cậu Bakshi nhỏ tuổi mất dần sự hứng thú với việc lập trình. “Em vẫn luôn cảm thấy rằng công nghệ bị hạn chế nhiều quá. Em luôn thấy rằng giây phút mà ta đặt ra được thứ gì đó, nó đã thành thứ lỗi thời rồi“.
Năm mười một tuổi, cậu Bakshi gặp một ngã rẽ cuộc đời và đã quyết định một hướng đi mới cho mình: cậu xem được một bài phóng sự về cỗ máy IBM Watson có thể trả lời câu hỏi và cách nó chơi được trò chơi truyền hình nổi tiếng Jeopardy. Đó là thời điểm đầu tiên Bakshi nghe tới cụm từ “trí tuệ nhân tạo”.
“Từ thời điểm ấy, em đã toàn tâm toàn ý với dự án IBM Watson cũng như với trí tuệ nhân tạo“, Bakshi nhớ lại.
Chỉ trong vòng một tuần, em dựng thành công ứng dụng cho Watson, ứng dụng có tên “Ask Tanmay – Hãy hỏi Tanmay”. Ứng dụng này sẽ phản ứng trước câu hỏi được đặt ra cho nó, truy xuất dữ liệu và đưa ra câu trả lời hợp lý nhất. Sau đó không lâu, em bắt gặp một dịch vụ khác của IBM đó là Document Conversion – Chuyển đổi Văn bản vẫn đang trong quá trình phát triển alpha.
Phần mềm này có tính năng chính là đổi văn bản từ dạng này sang dạng khác, từ doc sang PDF hoặc HTML hay ngược lại. Chỉ sau vài phút sử dụng Document Conversion, em phát hiện ra một lỗi – bug. Em đăng tải những gì mình tìm được lên một diễn đàn lập trình cũng như lên Twitter cá nhân của mình.
Nhân viên kĩ thuật của IBM nhìn thấy và đã liên lạc ngay với Bakshi. “Thú vị thật đó“, em Bakshi nhớ lại. “Những nhân viên của IBM đã tìm tới em để hỏi chuyện“. Và chính những con người ấy đã trở thành những người thầy mới cho Bakshi và chuyện không ai ngờ tới đã đến: họ khuyến khích em hợp tác với IBM.
Và từ thời điểm đó, gã khổng lồ công nghệ này đã đưa cho Tanmay Bakshi vô số cơ hội được đứng trên sân khấu lớn của những hội nghị tiếng tăm do chính IBM tổ chức. Đáng chú ý, tại Hội nghị Interconnect, Bakshi đã đứng phát biểu trước 25.000 người; tại Hội nghị Các Nhà phát triển tại Bengal, Ấn Độ, em đã đứng diễn thuyết trước 10.000 người.
Dù là về cơ bản, em không làm việc cho IBM vì em đâu có nhận được đồng lương nào! Nhưng hiện tại, Bakshi vẫn kết hợp với công ty đình đám này trong nhiều dự án khác nhau. Chính vì những cống hiến này, chuyên gia tự mình nghiên cứu trí tuệ nhân tạo này đã gây ấn tượng mạnh cho những “ông lớn” tại IBM. Trong số đó, có người thầy đang dẫn dắt em, trưởng ban công nghệ của IBM Watson, ông Rob High.
“Cậu bé hấp thụ kiến thức như một miếng bọt biển khát nước vậy“, ông High nói với CNBC, “và cực kì ham muốn học hỏi thêm nhiều nữa về deep learning cũng như về trí tuệ nhân tạo“.
Cả hai thầy trò đã cùng nhau thực hiện nhiều buổi giao lưu trực tuyến trên Facebook cũng như tổ chức nhiều buổi trò chuyện trực tiếp. Lần gần nhất là tại sự kiện AI World tổ chức tại Boston, nơi họ cùng bàn luận về việc sử dụng AI trong phân tích dữ liệu trên các trang mạng xã hội.
“Em thực sự rất đam mê trí tuệ nhân tạo, rất hứng thú với việc mang kiến thức của mình đi chia sẻ với toàn bộ cộng đồng“, Bakshi giải thích. “Tại sao lại cần phải khám phá lại ra lửa và sáng chế lại một cái bánh xe, chỉ vì những người đi trước không muốn chia sẻ những gì họ đã tìm ra?“.
Lượng kiến thức dồi dào của em về AI đã khiến toàn bộ cộng đồng sửng sốt. Sau màn diễn thuyết tại Hội nghị Thượng đỉnh về Kiến thức tại Dubai năm 2017, em đã được phong tặng Giải thưởng Đại sứ Kiến thức bởi Tổ chức Mohammed bin Rashid Al Maktoum, tổ chức do chính nhà vua Dubai hậu thuẫn. Em cũng là nhà vô địch IBM Cloud và cũng là cố vấn danh dự cho chính IBM Cloud.
Nhưng không phải tuổi trẻ của Bakshi chỉ là những chuyến đi đâu nhé. Em đang bắt tay vào hoàn thiện những dự án sẽ khiến cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn.
Dự án gần nhất của em dựa nhiều vào mạng neural – neural network. một hệ thống máy tính được xây dựng dựa trên nguyên mẫu não bộ và hệ thống thần kinh con người. “Em thấy rằng mạng neural cực kì hữu dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe“, Bakshi nhận định. “Đó là khía cạnh số một nên được cường hóa bằng trí tuệ nhân tạo“.
Em đưa ra luận cứ rằng con người thường gây ra lỗi trong ngành chăm sóc sức khỏe. Đó cũng là nơi sản sinh ra hàng tấn dữ liệu nhưng lại chỉ có thể áp dụng phương pháp thử – loại để tìm ra phương thức chữa trị tốt nhất, điều này sẽ làm chậm lại quá trình phát triển của y học.
Đó sẽ là lúc AI vào cuộc. “Ngành này thực sự cần ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo“, Bakshi nói. Hiện tại, em đang thực hiện dự án Cognitive Story. Người đầu tiên được em giúp sức là bé gái tên Boo bị liệt tứ chi, sống tại phía Bắc Toronto, Canada.
“Boo không thể nói rằng em đang cảm thấy không thoải mái, rằng em đang khát nước, rằng em đói và rằng em muốn bật TV lên“, Bakshi nói. “Em ấy chẳng làm được gì cả“.
Để giúp bé Boo giao tiếp, đội ngũ nghiên cứu thiết kế nên một thiết bị quét sóng não của bé. Trách nhiệm của Bakshi trong dự án này là sử dụng thuật toán deep learning, phân tích và hiểu được bé Boo muốn gì thông qua những sóng não. Họ biến sóng não thành ngôn ngữ bình thường, cho bé Boo một phương tiện giao tiếp.
Tới thời điểm hiện tại, bé Boo đã có thể nói được bằng mã nhị phân, trả lời được câu hỏi bằng “có” hoặc “không”. Một khi đội ngũ nghiên cứu có thêm dữ liệu, họ sẽ có thể dịch được thêm nhiều câu nói nữa từ việc phân tích sóng não.
“Hãy tưởng tượng có bao nhiêu người sẽ có thể lại trò chuyện được“, em Bakshi hồ hởi nói. “Nếu không có deep learning, những tiến bộ này sẽ là bất khả thi“.
“Ngành này thực sự cần ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo”, Bakshi nói về ứng dụng của AI trong y tế. “Nếu không có deep learning, những tiến bộ này sẽ là bất khả thi”.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Trong ngành y học này, nghiên cứu về mọi khía cạnh liên tục được đổ về. Chẳng có ai, thậm chí là cả chuyên gia, có khả năng đọc được toàn bộ lượng thông tin khổng lồ ấy, chưa kể cần thời gian để nghiên cứu, hiểu và thẩm thấu những kiến thức chuyên ngành ấy, áp dụng vào việc chữa trị.
“Con người không thể làm được“, Bakshi khẳng định. “Đơn giản là ta không thể làm được việc đó. Hệ thống nhận thức của con người không cao siêu tới vậy“. Và đó cũng là nơi trí tuệ nhân tạo tỏa sáng. Chỉ trong vài giây, máy tính có thể đọc được hàng triệu văn bản và chiết xuất ra những ý hữu dụng, thiết thực nhất.
Những ứng dụng vô tận của AI vào y học cũng là một trong vô vàn lý do em Bakshi đào sâu nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. “Tạo dựng nên bất kì dự án nào cũng đều là một chuyến hành trình“, em Bakshi nói. “Nhưng em thực sự yêu thích việc bền bỉ băng qua rừng vấn đề ấy bởi em biết rằng kết quả đang chờ em ở đích cuối thực sự tuyệt vời, từng bước đi sẽ là từng bước học hỏi“.
Để tiến xa hơn, Bakshi sẽ học đại học nhưng hiện tại, em chưa rõ em muốn vào đâu. Em đang để ý tới Stanford và Harvard, nơi đã thực hiện những nghiên cứu tiếng tăm đúng với khía cạnh mà em đang theo đuổi hiện tại.
Còn về công việc, em dự định sẽ vào đội ngũ nghiên cứu của bất kì công ty nào: IBM, Google, Microsoft hay Apple – công ty nào mà chẳng cống hiến cho nhân loại! Nhưng em thẳng thắn nói rằng em không giới hạn mình vào khuôn khổ nào cả.
“Có thể em sẽ tự dựng lên một công ty của riêng mình để tập trung vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI“.
Bản thân em đã xuất bản cuốn sách: “Xin chào ngôn ngữ lập trình Swift!: Đây là cách lập trình ứng dụng iOS cho trẻ em và cho những người mới nhập môn khác“. Em đang viết một cuốn sách thứ hai về IBM, hiện chưa có ngày ra mắt.
Và cậu bé Tanmay Bakshi trẻ tuổi cảm ơn cha mẹ mình về những thành công mà mình đạt được từ trước tới giờ: chính họ đã tạo điều kiện cho cậu theo học những thứ mình thích, chính họ ủng hộ em hết mình và tự hào về cậu con trai nhỏ tuổi nhưng nắm trong tay khả năng thay đổi nhân loại.
“Nếu không có gia đình đứng sau hậu thuẫn, có lẽ em đã không cố gắng đưa ước mơ của mình tiến xa được như ngày hôm nay“.
Chặng đường phía trước em còn dài, và chắc chắn Tanmay Bakshi sẽ còn cống hiến cho nhân loại này nhiều lắm!