Tản mạn về định hướng nghề nghiệp: Nguồn nhân lực CNTT tại miền Trung

Tôi theo nghiệp đào tạo ngành CNTT đã gần 15 năm nay, rất nhiều lứa học viên của tôi giờ đã ra trường và làm nhiều vị trí khác nhau như Project Manager, Teamlead, Senior…. và dĩ nhiên họ đã phải nỗ lực để đạt được điều đó và hôm nay nhân lúc rảnh rỗi, xin tản mạn một tí về nguồn nhân lực của ngành này.

Với yêu cầu công việc, tôi thường xuyên theo dõi thông tin tuyển dụng từ các công ty phần mềm, thật sự chưa có ngành nào mà nhu cầu tuyển dụng lại “rần rần” như ngành Phần mềm hiện nay. Hàng tháng có đến hàng chục đơn hàng tuyển dụng nhân sự được đăng tuyển trên các trang mạng, thậm chí có nhiều đơn tuyển dụng được đăng lặp đi lặp lại và số lượng đưa lên nhiều hơn nhu cầu thực tế của nhà tuyển dụng, bởi họ muốn ứng viên thấy được quy mô và sự mạnh mẽ của họ hay đơn giản là để có thêm nhiều lựa chọn.

Hôm qua tình cờ nói chuyện với một người bạn phụ trách nhân sự ở một công phần mềm lớn, có chi nhánh tại Đà Nẵng, người bạn ấy bảo với tôi rằng bây giờ tuyển dụng để làm việc được thật sự khó quá, nhu cầu của ngành ngày càng lớn tuy nhiên nguồn lực thì nhiều đấy, nhưng lại không đáp ứng được. Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn cứ thiếu. Thực trạng đang diễn ra – đó là rất rất nhiều sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học chuyên ngành CNTT vẫn chưa tìm được việc làm đúng chuyên ngành của mình. Vậy lý do ở đây là gì? Có phải doanh nghiệp đã quá khắc khe khi tuyển dụng, hay là các bạn sinh viên không đáp ứng đủ kỹ năng cần thiết khi ứng tuyển??

Lướt một vòng qua thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp phần mềm, tôi nhận thấy hầu hết các công ty đều yêu cầu ứng viên phải hiểu sâu về công nghệ, đặc biệt phải từng tham gia dự án, thậm chí có từ 1-3 năm kinh nghiệm với một ngôn ngữ lập trình cụ thể, vậy các bạn sinh viên đã, phải đáp ứng nhu cầu ấy thế nào??

gia tri 1

Phải chọn hướng đi sớm bạn mới có thể tách ra khỏi đám đông và được chọn

Nói về nhu cầu tuyển dụng, mỗi năm có đến gần 20 doanh nghiệp phần mềm đến mỗi trường đại học hoặc cao đẳng để giới thiệu về nhu cầu tuyển dụng của mình và trực tiếp tuyển chọn sinh viên, nhưng liệu có được bao nhiêu sinh viên đã được họ tuyển dụng. Thật sự chưa tới 10% sinh viên được chọn, chưa kể có những sinh viên giỏi được chọn cùng lúc 2-3 đơn vị tuyển dụng. Nhưng tất cả các doanh nghiệp ấy đều phải sẵn sàng cho một khóa đào tạo dài hạn vì các bạn ấy vẫn chưa làm việc ngay được. Số còn lại thì sao?? Tôi đã từng trao đổi với một số bạn sinh viên – những người có nhận thức “đúng đắn” về nhu cầu tuyển dụng và ý thức bản thân, họ đều khẳng định với tôi rằng luôn tồn tại tư tưởng “ảo tưởng sức mạnh” trong các bạn sinh viên. Các bạn sinh viên ấy luôn tin rằng ra trường thể nào mình cũng xin được việc, có lẽ họ đúng nhưng không chính xác! Quan trọng là họ sẽ làm việc gì??

So sánh giữa một sinh viên đại học từ miền Nam/Bắc (cụ thể là Tp.HCM và Hà Nội) và sinh viên đại học tại Miền Trung, tôi có cảm giác sự khác biệt quá xa. Các bạn sinh viên từ miền Nam/Bắc ngay năm thứ 2 đã sử dụng chuyên sâu một công nghệ mà bạn ấy lựa chọn như Java, .NET hoặc Android, iOS, hay PHP… Và từ năm thứ 3 trở đi các bạn ấy đã tham gia các dự án thông qua việc tham gia làm Dev cho một nhóm tự do (freelancer), các dự án của chính các bạn hay đơn giản là các dự án tại trường… Do vậy khi ra trường thì đồng nghĩa rằng các bạn ấy đã có từ 1-3 năm kinh nghiệm làm việc trên nền tảng ấy. Còn các bạn sinh viên miền Trung chúng ta thì sao, tôi đã trao đổi rất nhiều và được biết các bạn hầu như không có định hướng cho đến năm thứ 4, những năm cuối lại quá nhiều bài vở, thực tập, đồ án… nên không còn thời gian để đào sâu công nghệ nữa (lẽ ra đây là thời gian mang ra áp dụng vào đồ án), và khi tốt nghiệp cũng chưa biết mình sẽ làm gì nên rất khó thuyết phục nhà tuyển dụng.

Sự thụ động theo kiểu cho rằng đó là lỗi của Trường, Khoa, Chương trình đào tạo v.v… đang phổ biến trong sinh viên và đang dần giết chết cơ hội của bạn.  Ngay từ bây giờ hãy thay đổi, tự định hướng nghề nghiệp để tạo cơ hội cho chính  mình, tôi chắc chắn rằng lúc đó bạn sẽ được chọn ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cơ hội đến với tất cả mọi người và chỉ có những người có đủ khả năng mới nắm bắt được. Hãy “Chuẩn bị mọi thứ chu đáo nhất có thể để thành công, đừng đổ lỗi cho yếu tố khách quan các bạn nhé”.

iViettech

Đối tác tuyển dụng