Ngành CNTT Việt Nam dự kiến tăng trưởng tốt hơn đa số nhóm ngành khác trong năm 2023

Theo báo cáo từ VDSC, những cơn gió ngược từ kinh tế vĩ mô nhiều khả năng ít gây ảnh hưởng tới tăng trưởng mảng dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong năm nay.

Theo báo cáo về triển vọng ngành công nghệ toàn cầu năm 2023 của Deloitte, ngành công nghệ không chỉ vượt qua sự gián đoạn do đại dịch gây ra trong vài năm qua mà còn phát triển mạnh mẽ. Cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy nhiều công ty công nghệ tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số, cải thiện chuỗi cung ứng, theo đuổi các dịch vụ dưới dạng dịch vụ và củng cố nguồn nhân tài của họ.

Tuy nhiên, vào năm 2023, ngành công nghệ có thể sẽ tiếp tục vật lộn với các vấn đề xung quanh chuỗi cung ứng, lực lượng lao động và một số vấn đề khác do ảnh hưởng của bất ổn kinh tế vĩ mô gây ra. Mặc dù giá cổ phiếu các công ty công nghệ tăng lên trong thời kỳ đại dịch năm 2020 và 2021, nhưng cũng chính lĩnh vực này đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể của thị trường chứng khoán vào năm 2022.

Thách thức lớn hiện nay đối với các công ty công nghệ là làm thế nào để vượt qua suy thoái kinh tế tiềm ẩn bằng cách cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và tăng doanh thu. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp có khả năng tìm cách duy trì sự đổi mới và xây dựng vị thế cạnh tranh mạnh mẽ cho tương lai.

Theo Deloitte, có một số xu hướng chính đối với ngành công nghệ trong năm 2023, trong đó có sự không chắc chắn của ngành trong bối cảnh kinh tế vĩ mô bất ổn. Việc băn khoăn trước xu hướng giảm chi tiêu của người dùng, nhu cầu về sản phẩm công nghệ thấp hơn và giá trị vốn hóa thị trường giảm, nhiều công ty công nghệ đang cảm thấy cần thiết trong việc phải tăng tỷ suất lợi nhuận và tăng doanh thu.

Ngoài việc điều chỉnh lực lượng lao động, các phương pháp có thể được các doanh nghiệp nghiệp tính tới bao gồm làm cho quy trình kinh doanh trở nên hiệu quả hơn, thúc đẩy quá trình tự động hóa và xem xét chiến lược M&A (mua bán và sáp nhập).

Điều hướng những bất ổn toàn cầu. Khi các công ty công nghệ đối mặt với những thách thức ngày càng lớn trên toàn cầu, Deloitte cho rằng họ nên nỗ lực giảm thiểu rủi ro và xây dựng các hệ thống linh hoạt hơn. Các nhà lãnh đạo cần suy nghĩ cẩn thận về những lựa chọn đối tác, vị trí, địa điểm và cách thức sản xuất cho doanh nghiệp của họ.

Chuyển đổi các ngành công nghiệp khác thông qua công nghệ. Để tìm kiếm cơ hội mở rộng doanh thu, lĩnh vực công nghệ đang mở rộng phạm vi hoạt động sang lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, sử dụng các tiến bộ kỹ thuật số để hỗ trợ đổi mới và chuyển đổi. Các công ty cũng đang tìm cách áp dụng các công nghệ như 5G, AI và điện toán đám mây để chuyển đổi các ngành khác, bao gồm bất động sản, sản xuất và bán lẻ.

Thích nghi với các quy định mới. Biến đổi khí hậu và các tác động xã hội đang có tác động ngày càng lớn đến hoạt động của các công ty công nghệ. Đồng thời, chính phủ các nước và nhà đầu tư trên khắp thế giới đang thúc đẩy các công ty tăng cường tính minh bạch xung quanh những hoạt động có tác động tới môi trường.

Các quy định mới và được đề xuất dự kiến sẽ yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ cập nhật các công cụ phần mềm quản lý doanh nghiệp, cho phép các công ty đạt được khả năng hiển thị theo thời gian thực và cấp cho các cơ quan chức năng quyền truy cập vào dữ liệu mà họ sẽ cần cho các quy trình tuân thủ ngày càng phức tạp.

Triển vọng của ngành CNTT Việt Nam

Trái với triển vọng có phần ảm đạm của ngành công nghệ toàn cầu từ báo cáo của Deloitte, nhận định của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lại cho thấy những nét tích cực đối với ngành công nghệ thông tin Việt Nam.

Theo đó, nhận định mới nhất từ VDSC cho thấy triển vọng tăng trưởng của ngành CNTT vẫn tốt hơn đa số các nhóm ngành khác trên HSX (Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM) trong năm nay, với tốc độ tăng trưởng chậm hơn không đáng kể so với 2022.

Bên cạnh yếu tố tăng trưởng tự nhiên của nhu cầu về chuyển đổi số (DX) và chi tiêu cho dịch vụ công nghệ thông tin nói chung, VDSC cho rằng các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam, chẳng hạn như FPT và CMG, có những đặc thù về cơ cấu thị trường, cũng như sự đa dạng về ngành nghề của khách hàng để có thể tiếp tục duy trì sự bền bỉ trong tăng trưởng vào năm 2023.

VDSC cho rằng các công ty công nghệ của Việt Nam có tỷ trọng doanh thu từ thị trường châu Á cao hơn đáng kể, với Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là hai thị trường trọng điểm của F-Soft và CMC Global, so với các đối thủ từ Ấn Độ vốn có mức độ tập trung khá cao cho các doanh nghiệp ở Mỹ và châu Âu.

Hơn nữa, nhu cầu đầu tư công nghệ thông tin của các doanh nghiệp của Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đang có những tín hiệu phục hồi hậu đại dịch khá tốt. Trên thực tế, doanh thu từ thị trường Hàn Quốc của F-Soft đã tăng 80% trong năm 2022 so với năm 2021, trong khi doanh thu tại thị trường Nhật (theo JPY) tăng 46% tron giai đoạn hai tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước.

Phân loại theo lĩnh vực kinh doanh, các công ty của Ấn Độ có mức độ phụ thuộc cao vào tệp khách hàng trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, trong khi các doanh nghiệp công nghệ Việt có tệp khách hàng đa dạng hơn xét theo ngành nghề kinh doanh, với ngành cao nhất (sản xuất) chỉ chiếm ~20% tổng doanh thu.

Điều này có thể giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực từ khả năng cắt giảm chi tiêu cho công nghệ thông tin của nhóm khác hàng ngân hàng sau sự sụp đổ gần đây của một số ngân hàng tại Mỹ và Credit Suisse.

Nguồn: Doanh Chính | doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn

Đối tác tuyển dụng